VIDEO Những kiến thức cơ bản về nước hoa
BY perfumista
Đây là một phóng sự rất hay và bổ ích về nước hoa mà tôi muốn giới thiệu với mọi người. Chương trình khoa học thường thức này tên gốc là C’est pas Sorcier của France 3. Kiến thức video này cung cấp rất tổng quan về thế giới mùi hương, từ lịch sử phát triển nước hoa đến tinh dầu, cách thu hoạch và chiết xuất hoa hồng, phương thức hoạt động của mũi, vai trò hóa học trong nước hoa, cách thức một nhà sáng chế perfumer tạo ra nước hoa từ yêu cầu của khách hàng, marketing, design của chai nước hoa….Nói chung là rất thú vị, tôi xem từ hồi mới chập chững tìm hiểu về nước hoa, tức cách đây 3 năm, thế mà bây giờ ngồi làm sub vẫn thấy còn phải đào sâu vào nhiều điều mà video chỉ nói sơ.
Tôi cũng nhân đó làm một số chú thích, mở rộng kiến thức những vấn đề mà Video chưa kịp hay không có thời gian điểm qua. Hi vọng các bạn sẽ thích. Trong video sẽ có những (*1,2,3….), bạn sẽ tìm thấy chú thích tương ứng ở dưới.
Do tôi up video lên facebook nên có thể load hơi chậm, nếu không hiện lên, các bạn vui lòng vào page facebook để xem nhé:
https://www.facebook.com/A-perfume-catcher-1055245027829395/
Những kiến thức cơ bản về nước hoa Phần 1
https://www.facebook.com/1055245027829395/videos/1096436413710256/
Những kiến thức cơ bản về nước hoa Phần 2
https://www.facebook.com/1055245027829395/videos/1096439020376662/
Chú thích-Mở rộng
1. Grasse ơ đâu, trồng hoa gì? Grasse là một tỉnh nhỏ ở miền nam nước pháp, do có tiểu khí hậu rất tốt nên hầu hết những công ty nguyên liệu lớn của Pháp đều khởi nghiệp từ đây. Grasse nổi tiếng với giống hồng tháng năm Rose de Mai, hoa nhài Jasmin Grandiforum, hoa Mimosa, hoa Oải hương….Nếu bạn có dịp đến Grasse đừng quên thăm Bảo tàng nước hoa của Grasse và khu vườn trồng những loại cây có mùi của bảo tàng http://www.museesdegrasse.com.
2.Cologne có nguồn gốc từ Ý: Cologne được phát minh bởi Giovanni Paolo Feminis vào năm 1695, cập bến Pháp vào năm 1760. Tuy nhiên chỉ đến năm 1806, cái tên Eau de Cologne mới được ghi nhận chính thức bởi Jean Marie Farina, một người kế thừa của Feminis. Bạn còn có thể tìm thấy và thưởng thức lọ cologne huyền thoại này ở trong những tiệm thuốc tây, do Roger & Gallet đã mua lại nhãn hiệu này.
3. Nghề Gantier-Parfumeur: Từ thời phục hưng đến đầu thế kỷ 18, những người làm găng thường tẩm găng tay bằng những mùi hương thật nồng để che khuất mùi da thuộc đầy hương động vật. Thế nên, Louis 13 vào năm 1614 đã ban cho những người thợ này tên gọi “người làm găng và tẩm nước hoa”. Nếu ai đã từng xem truyện Mùi hương, chắc hẳn sẽ dễ liên tưởng những người làm găng hồi xưa phải chịu những mùi hôi thối từ da động vật như thế nào.
4. Perfumer: nghề sáng chế nước hoa, muốn tìm hiểu thêm về các trường đào tạo ngành nghề này xin đọc : Làm thế nào để trở thành nhà điều chế nước hoa.
5. Hoa hồng Grasse là một loại hoa quý và rất đắt tiền, đọc thêm về hoa hồng Grasse, giá thành và cách chiết xuất tại 50 shades of Rose/50 sắc thái của Hoa hồng.
6. Tại sao phải xới hoa hồng? Nếu tôi nhớ không lầm, tôi đã đọc ở đâu đó (mà giờ tìm lại không thấy để dẫn link ><) thì việc xới hoa hồng giúp cho hơi nước thoát ra bớt, không đọng lại trên cánh hoa. Hơn nữa, lại giúp cánh hoa tơi ra, tạo điều kiện cho cánh hoa tiếp xúc nhiều hơn với dung môi khi cho vào lò chưng cất. Cả hai điều trên giúp tiết kiệm dung môi, từ đó cũng tiết kiệm thời gian cho công đoạn chiết xuất. Đối với lá patchouli, người ta cũng phơi cho khô trước để hơi nước thoát ra hết.
7. Khái niệm Communelle: chất lượng của các nguyên liệu thay đổi theo thời tiết của từng năm, cũng như rượu vin vậy. Tuy nhiên trong ngành nước hoa ít có khái niệm niên hiệu (tức ghi năm trên chai nước hoa như rượu, vẫn có một số nhà Niche làm theo kiểu này, vd: Tabac Tabou), do sợ người dùng không biết mà so sánh chất lượng các chai nước hoa với nhau. Vì tất cả những lý do trên, nhà sản xuất dùng khái niệm communelle, tức trộn chung các năm với nhau hay thêm một số chất vào để được, ví dụ, một loại tinh dầu hoa hồng đồng nhất về mùi qua tất cả các năm.
8. Enfleurage=Ướp hoa: nếu bạn yêu nước hoa chắc hẳn đã xem qua phim Mùi hương, câu chuyện của một kẻ giết người, trong phim Jean Baptisde Grenouille đã dùng kỹ thuật này để lấy hương từ các cô gái còn trinh. Đây là kỹ thuật lấy hương “lạnh”, là một trong những kỹ thuật cổ, ưu điểm là nó cho phép những loại hoa “nhạy cảm nhiệt” như hoa huệ tiết ra chất thơm. Nhược điểm là hiệu suất thấp, đắt tiền, tinh chất absolu hơi mùi mỡ (graisse) do dùng mỡ động vật để chiết, nhân công nhiều do phải thay hoa trên tấm mỡ thường xuyên ( từ 2,3 lần thay).
9. Maté là gì nhỉ ? Đây là loại thức uống tăng lực của người châu Mỹ la tin, do trà chưa chiết xuất được nên muốn làm mùi trà người ta hay cầu cứu đến Maté. Trong Ile au Thé Annick Goutal hay Eau parfumée au Thé noir Bulgari đều dùng Maté.
10. Tại sao tinh dầu Castoréum vẫn chưa bị cấm? Thực tế hầu hết các nhà lớn như Guerlain, Dior đều cam kết không sử dụng các nguyên liệu đến từ động vật nhưng castoreum vẫn có thể tìm thấy trên thị trường. Lý do rất buồn cười là do con này có dân số phát triển quá nhanh ở Canada và một số vùng khác nên người ta có thể săn bắn nó để đảm bảo cân bằng sinh thái.
11. Xạ hương thiên nhiên được thay thế bằng gì? Nếu muốn mấy xạ hương phải giết chết con hoẵng nên musc thiên nhiên bị cấm ngặt trong ngành. Hiên nay musc này đã được thay thế bằng musc nhân tạo nhưng trên thực tế mùi của nhân tạo và thiên nhiên không giống nhau lắm. Mùi nhân tạo thì mịn mượt, êm nhẹ, cảm giác ấm áp như cuộn trong chăn còn tự nhiên thì đậm mùi động vật, khai. Điểm chung lớn nhất có lẽ là độ lưu hương quái vật của cả hai. Nước hoa dùng musc nhân tạo phải kể đến Narciso for Her với khoảng 20% musc.
12. Ambre gris là chất thải chứ không phải chất ói của cá nhà táng: (Xem video giải thích của chuyên gia.) Chất thải của cá nhà táng lênh đênh nhiều ngày trên biển rồi theo sóng tấp vào bờ, nên vừa đượm nồng mùi nắng vừa đậm mùi biển cả. Do sự quý hiếm và mùi hương đặc biệt nên nó rất đắt tiền.
13. Trong nước hoa khi ngừơi ta nhắc đến hoa trắng/white flowers/fleurs blanches, là muốn nói đến những mùi hương kiểu hoa nhài Jasmine, hoa huệ, hoa Ylang Ylang,….
14. Jean Claude Ellena: là cựu perfumer nhà Hermès, ông nghỉ hưu sau khi trao quyền lại cho Christine Nagel. Đọc thêm Câu chuyện người kế nhiệm Hermès.
15. Francis Kurkdjian: Video này được làm cách đây chắc khoảng ít nhất 10 năm, lúc này Francis Kurkdjian còn trẻ, đang làm cho Quest (nay là Givaudan). Được xuất hiện trong một chương trình như thế này, bên cạnh Jean Claude Ellena chứng tỏ Francis K thực cực kỳ giỏi…Có dịp tôi sẽ viết một bài về thiên tài này.
16. Xu hướng trong nước hoa: Yes, nước hoa cũng như thời trang, cũng có nguyên liệu, xu hướng thay đổi theo từng năm. Đọc thêm bài Perfumery 2015: Những xu thế và sự kiện đáng chú ý.
17. Một chai nước hoa ở Mỹ sẽ đậm đặc gấp 10 lần ở Nhật? Có thật không? Với sự toàn cầu hóa, các hãng nước hoa không còn làm như vậy nữa. Thay vào đó họ sẽ làm một phiên bản hay flanker cho thị trường nội địa muốn nhắm đến.
18. Có thể Eau de Toilette, Eau de Parfum, Parfum…lúc xưa chỉ khác nhau về nồng độ tinh chất thơm nhưng với yêu cầu cao của người tiêu dùng, những hãng nước hoa không chỉ hạ hay nâng nồng độ mà còn phải biến tấu những note khác trong lọ nước hoa để tạo cho người dùng cảm giác lọ nước hoa này mùi “nhẹ” hay “nồng” hơn lọ khác. Đọc thêm bài : Cologne, EDT,EDP, Parfum..chỉ khác nhau về nồng độ? và Flanker, Phiên bản mở rộng, Biến thể và Phiên bản giới hạn của một chai nước hoa là gì? Tại sao lại có nhiều Flankers đến vậy?
19. Copy cat trong thế giới mùi hương: đọc bài Mọi copy trong ngành nước hoa đều hợp lệ.
Đọc thêm :
- Cologne, Eau de Toilette, Eau de Parfum, Le Parfum…chỉ khác nhau về nồng độ?
- Nước hoa có hạn sử dụng không?
- Chanel n°5 chỉ dành cho nữ giới?
- Tất cả nước hoa đều chứa cồn?
- Mọi copy đều hợp lệ trong ngành nước hoa
- Không ngửi cà phê khi mũi bão hòa
- Flankers, các phiên bản mở rộng là gì? Tại sao có nhiều Flankers đến vậy?
- Video kiến thức cơ bản về nước hoa
- Tại sao chai nước hoa của bạn lại có màu đỏ, hồng xanh hay tím?
By LeLan/aperfumecatcher.com
Tất cả bài viết ở Blog này đều do mình viết bằng kiến thức mình tích lũy qua trường lớp và kinh nghiệm làm việc. Nếu các bạn muốn đem bài viết đi đâu, xin đừng chỉnh sửa và nhớ ghi rõ tên tác giả+link dẫn về bài gốc ở Blog A perfume-catcher.
Nếu các bạn có bất cứ câu hỏi nào, các bạn có thể comment ở dưới hay post trên trang facebook của mình my page facebook.
Đừng quên subscribe bằng email để nhận thông tin về những bài sắp tới nhé.
Cám ơn các bạn.