TODAY PERFUME STORY'S

Làm thế nào để trở thành nhà điều chế nước hoa / What should you study to become a perfumer?

BY perfumista

Do có rất nhiều bạn pm hỏi mình về các khóa học để trở thành perfumers và các câu hỏi đều tương tự nhau nên mình quyết định không trả lời PM nữa. Các bạn thông cảm >.<

Các bạn có thể đặt câu hỏi ở Post dành riêng cho nghề perfumer trên facebook, click vào đây hoặc comment ở dưới bài này (nếu muốn ẩn danh trên facebook).


Trước khi bàn về chuyện học gì và làm sao để trở thành perfumer/nhà sáng chế nước hoa, tôi xin giới thiệu sơ qua về ngành nghề này.

thierry-wasser

Thierry Wasser-perfumer nhà Guerlain

Perfumer hay nhà sáng chế mùi hương là người cực kỳ am hiểu về raw materials/nguyên liệu thô (bao gồm cả thiên nhiên :tinh dầu hoa hồng, oải hương, patchouli,…cũng như nhân tạo: musc, cashmeran, iso E super, benzaldehyde,…). Họ nằm lòng tất cả các aspects/facettes mà một nguyên liệu có thể có, ví dụ nếu bạn nói đến hoa quế Osmanthus, không cần ngửi, nhưng họ vẫn có thể kể vanh vách rằng hoa này ngửi có mùi mơ, mùi đào, mùi da thuộc,….Ngoài ra, qua kinh nghiệm hay học tập, họ còn biết nguyên liệu nào hợp với nguyên liệu nào, nguyên liệu nào là kẻ thù của nguyên liệu nào: vd hoa hồng rất bồ kết patchouli/hoắc hương , nhưng patchouli lại cực ghét mùi biển calone. Một người perfumer thật sự , cần biết và thông thạo ít nhất 500 nguyên liệu thô như vậy.

hermes MP.jpg

Raw materials/nguyên liệu thô nhà Hermès , trong phòng thí nghiệm của Jean Claude Ellena

Thế cho nên, một khi mọi mùi hương đã có trong đầu, họ chỉ cần nhớ và sáng tạo trên giấy hoặc máy tính, sau đó công thức mới được cân bởi assistant perfumer.

labo assitant perfumer

Minh họa cho công việc cân nước hoa, trên kệ là hàng nghìn nguyên liệu thô

Tôi xin ví dụ một phần công thức của nước hoa: Narciso for her, mùi-hương-không-bao-giờ lạc của tôi , sáng tạo bởi Christine NagelFrancis Kurkdjian

Công Thức nước hoa For Her, tối giản by aperfumecatcher

Công Thức nước hoa For Her, tối giản bởi aperfumecatcher

 

Điều thứ hai cũng nên biết, nghề này cũng chẳng khác gì Y Dược, số năm học hành để thông thạo cũng phải mất ít nhất 4,5 năm, sau đó tốn thêm vài năm làm việc nữa để có thể chế ra những tuyệt tác . Tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ như Francis Kurkdjian, hai năm sau khi tốt nghiệp trường nước hoa ISIPCA, (tổng cộng 4 năm trong ngành), ông đã làm nên Le mâle Jean Paul Gaultier ở tuổi 26.

Ở đây, tôi xin giới thiệu “những cánh cửa đầu tiên” để bạn đặt chân vào thế giới còn rất kỳ bí này, có trở thành nhà sáng chế hay không sau đó là cả một chặng đường rất cam go, đòi hỏi sự quyết tâm, lòng học hỏi, trí óc sáng tạo và cả may mắn nữa!

Hầu hết các trường nước hoa đều tập trung ở Pháp vì Pháp là cái nôi của ngành nước hoa mà, có thể nói biết tiếng Pháp và đang ở Pháp là một lợi thế rất lớn. Còn nếu bạn không có điều kiện du học hay chỉ biết tiếng Anh thì vẫn có trường hoặc formation bằng tiếng Anh.

Những trường mà tôi giới thiệu sau đây, sau khi tốt nghiệp, ngoài perfumer, bạn còn có thể trở thành:

Evaluator: người đánh gía, nhận định nước hoa, là cầu nối giữa perfumer và khách hàng.

Raw Materials Sourcer: chịu trách nhiệm về chất lượng, sản lượng nguyên liệu thô, khai thác nguyên liệu mới, ….

Technician Development Perfume: Làm trong phòng thí nghiệm về độ bền, màu sắc, chất lượng nước hoa,…

……

PHÁP, cái lò luyện những tài năng

Trong ngành nước hoa có thể kể tên những ông lớn đứng đầu về điều chế (Houses of composition) như Givaudan, Firmenich của Thụy Sĩ, IFF của Mỹ, Symrise của Đức, sau đó mới tới Mane, Robertet,…của Pháp. Có thể nói làm kinh doanh và điều chế nguyên liệu tổng hợp mới, không ai bằng người Thụy Sĩ nhưng cái mũi tinh tế thì cần phải nhờ cậy người Pháp.

1.Institut Supérieur International du Parfum, de la Cosmétique et de l’Arôme alimentaire ( ISIPCA )

Trường ISIPCA được thành lập năm 1970 bởi Jean-Jacques Guerlain (con trai của Pierre-Francois-Pascal Guerlain, founder nhà Guerlain năm 1828). Mục đích ban đầu lập ra để đào tạo những nhà làm nước hoa trẻ cho ngành công nghiệp đang trên đà phát triển này; về sau do sát nhập với Chambre de Commerce de Versailles (phòng thương mại của Versailles) nên có thêm đào tạo pha chế mỹ phẩm và hương liệu cho thực phẩm.

Trường ISIPCA có thể nói là trường đào tạo nhiều người làm việc trong ngành nước hoa nhất cho đến hiện nay (Mathilde Laurent-perfumer nhà Cartier, Francis Kurkdjian,…).Nếu bạn search trên LinkedIn, sẽ thấy phần lớn perfumer học tại đây. Chương trình alternance : vừa học vừa làm ở công ty nước hoa, tạo điều kiện cho sinh viên vừa được đào tạo, vừa có kinh nghiệm sau khi ra trường. Hơn nữa, công ty không những trả lương cho sinh viên (700-1400 euros / tháng) trong suốt quá trình học mà còn bao luôn cả học phí (khoảng 10.000 euros một năm).

Trong 2 năm học ở đây, nếu học ở bậc Master, sẽ được học với Sylvie Jourdet, Francis Kurkdjian, François Robert,…và rất nhiều tên tuổi lớn trong ngành.

formation isipca perfumer aperfumecatcher

Cả 3 formations đều có thể trở thành perfumer bằng cách này hay cách khác, nếu bạn theo học bậc học sau Bac/sau khi tốt nghiệp phổ thông : Préparateur hay sau Licence 2: Licence pro thì bạn có thể trở thành assistant perfumer, làm việc kế cận và hằng ngày đọc công thức của perfumers. Qua đó, có thể ngửi các nguyên liệu thô và học cách sáng chế qua các công thức được cân.

Còn nếu bạn học bậc Thạc sĩ Master, tức formation thứ 3, có phần khó hơn do phải thi đầu vào, tuy nhiên, cơ hội trở thành perfumer lại cao hơn do lúc xin thực tập/alternance, có thể xin vào vị trí apprenti parfumeur/trainee perfumer. Thi đầu vào bao gồm kiến thức hóa cơ bản của đại học (không gì cao siêu cả) và phần kiến thức về nước hoa (hay còn gọi culture générale). Phần này khó hơn, vì toàn những câu trời ơi ? , đòi hỏi bạn phải đọc nhiều, xem nhiều, vd: Diễn viên quảng cáo cho chai Spicebomb Viktor&Rolf là ai? (đề ra năm 2013); Năm 2009, ngành công nghiệp nước hoa đã mất đi một người rất quan trọng, là ai ? (năm 2010, là Yves Rocher)? Hay cho một cái hình bất kỳ rồi hỏi tên nguyên liệu. Hoặc xếp tên perfumer theo nhà, vd Antoine Maisondieu của Givaudan, Delphine Jelk của nhà Guerlain. Hay hãng bột giặt Ariel của tập đoàn nào? ><

Tham khảo : http://forums.futura-sciences.com/renseignements-concours-examens/213692-tests-dadmission-isipca.html

Và hi vọng Blog của tôi cũng sẽ đem lại cho bạn những kiến thức bổ ích cho kỳ thi: https://aperfumecatcher.com

Tiếp theo là vòng phỏng vấn để sắc lại còn 20 người, trong vòng này, bạn phải ngửi một chai nước hoa hoặc nguyên liệu bất kỳ rồi nói cảm tưởng của mình. Sau khi được nhận rồi, bạn còn phải qua một vòng gian nan nữa là tìm công ty thực tập. Do phải trả một số tiền lớn cho thực tập sinh nên không có quá nhiều công ty để bạn lựa chọn và công ty cũng rất khắt khe trong việc chọn mặt gửi vàng.

2. Université de Montpellier và Université du Havre

Hai trường đại học này cũng có chương trình thạc sĩ cho phép học về nước hoa, tuy nhiên do gộp chung 3 chuyên ngành vào một formation: Nước hoa, Mỹ phẩm và Hương liệu thực phẩm nên sẽ không chuyên sâu được như Master Parfumerie của ISIPCA. Tuy nhiên, nếu bạn thích làm phân tích trong ngành nước hoa thì 2 formations này là lựa chọn đúng đắn, nhất là Le Havre, rất mạnh về hóa phân tích.

Hai trường này chỉ xét tuyển hồ sơ và phỏng vấn. Như bao trường đại học khác, ưu tiên cho sinh viên đã học Licence/Đại học ở trường sở tại và vì một lý do khác nữa là họ cũng không thích nhận những kẻ “bại trận” ở kỳ thi tháng 4 hằng năm vào ISIPCA (hai trường này thường xét hồ sơ vào tháng 6,7).

Học phí : như những trường đại học bình thường, khoảng 500 euros / năm. Có hai đợt thực tập, một stage ngắn ở M1 và stage 6 tháng ở M2.

Điều kiện dự tuyển: có bằng Licence về Hóa hoặc Sinh.

3. Ecole Supérieure du Parfum

Trường này nằm ngay tại Paris, được thành lập cách đây không lâu và năm vừa rồi là năm đầu tiên có học sinh ra trường ( tức sau 5 năm học) nên chất lượng giảng dạy và tỉ lệ xin được việc làm tôi thực sự không rõ.

Để vào học trường này bạn cũng phải trả qua một cuộc phỏng vấn và 1 bài test về kiến thức chung về nước hoa và về mùi, tổng cộng 1h30. Theo tôi, do trường chưa được nổi tiếng lắm nên tuyển chọn rất dễ dàng; thứ hai là do học phí rất đắt, gần 37.000 euros cho 5 năm học (so với ISIPCA là miễn phí), nên không phải ai cũng có điều kiện theo học.

Capture d’écran 2016-02-02 à 16.51.30.png

Điều kiện dự tuyển: có thể vào năm nhất ngay sau tốt nghiệp phổ thông, tức là Bac; hoặc xin vào năm 2,3 nếu đã hoặc đang theo học Licence 2 hay 3.

4. Académie du parfum

Trường này lại nằm ở Bỉ, nhưng dạy bằng tiếng Pháp nên tôi đưa vào chung nhóm với các trường khác. Trường này mới thành lập và bắt đầu khai giảng năm nay, tức 2016.

Điều kiện dự tuyển: đã tốt nghiệp phổ thông / Bac, biết tiếng Pháp và Anh. Tôi không biết sau khi ra trường sẽ được cấp bằng gì hay chỉ có giấy chứng nhận đơn thuần?!

Học phí: 6000 euros/350h học. Chỉ phải học 1 năm.

Nếu bạn chỉ biết tiếng anh, thì học gì?

1. Grasse Institute of Perfumery:

Trường này ở Grasse, thủ phủ của những nguyên liệu thô có nguồn gốc thiên nhiên như Oải hương, hoa Nhài, hoa Hồng của Pháp. Trường này thành lập năm 2002 bởi hiệp hội những nhà sản xuất nguyên liệu và nước hoa của Pháp (chính xác là ở Grasse).

Học phí: khóa học kéo dài 1 năm nhưng do được tự do ra vào phòng thí nghiệm điều chế và không có chương trình thực tập alternance như ISIPCA nên học phí lên đến 12.000 euros.

Tuyển chọn: không cần có bằng cấp gì, tuy nhiên phải trải qua một serie tests, học hoàn toàn bằng tiếng Anh, lấy khoảng 12 người mỗi năm hầu hết là người nước ngoài theo học.

2. European Fragrance & Cosmetic Master – ISIPCA

ISIPCA cũng có chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh, đó là Master về quản lý, marketing ngành nước hoa và mỹ phẩm. Vậy tại sao học Master Kinh tế lại có thể trở thành perfumer? Việc này hiếm nhưng không phải không có. Nếu bạn thực sự quyết tâm theo đuổi thì trong quá trình làm việc trong công ty với cương vị marketer, bạn có thể chứng tỏ khả năng ngửi mùi và óc sáng tạo của mình, công ty có thể ngửi bạn đi học thêm hoặc học kèm với một senior perfumer của công ty.

Học phí: 21.000 euros cho 2 năm học.

Điều kiện: có bằng đại học chuyên ngành Hóa, Sinh, Dược,….

Bạn hiện tại ở Việt Nam hoặc Mỹ hoặc Đức, không có điều kiện qua Pháp để học?

  • Nếu bạn ở Việt Nam, theo tôi nghĩ trước tiên là phải xin vào những công ty điều chế có chi nhánh ở Việt Nam để làm việc : Givaudan, Symrise, Mane, Firmenichlàm sale thôi vì họ chưa có labo ở Việt nam, sau đó thông qua quá trình làm việc, người ta thấy bạn có tiềm năng có thể giao những dự án sáng tạo nhỏ, hay gửi qua Singapore, qua Pháp hay qua Đức để học lên. Tôi thấy rất nhiều bạn Trung Quốc, Thái Lan đi theo con đường này.
  • Nếu bạn ở Mỹ: ở Mỹ, có trường của IFF New York, nơi mà Lộc Đồng đã làm việc. Đặc thù của IFF là chỉ nhận đào tạo nhân viên của họ nên việc đầu tiên là bạn phải làm việc hoặc thực tập ở IFF trước đã.
  • Tương tự ở Đức, sẽ có Symrise: cũng như IFF chỉ đào tạo nội bộ, một chân thực tập sinh sẽ là cơ hội để bạn xin vào trường nước hoa của công ty.

Đọc thêm:

Luyện mũi qua thiên nhiên bằng cách nào?

Fragrance house/ Công ty điều chế nước hoa là gì?

Evaluator, người thẩm đinh nước hoa là ai?

 


 

By LeLan/aperfumecatcher.com

Tất cả bài viết ở Blog này đều do mình viết bằng kiến thức mình tích lũy qua trường lớp và kinh nghiệm làm việc. Nếu các bạn muốn đem bài viết đi đâu, xin đừng chỉnh sửa và nhớ ghi rõ tên tác giả+link dẫn về bài gốc ở Blog A perfume-catcher

Nếu các bạn có bất cứ câu hỏi nào,  các bạn có thể comment ở dưới hay post trên trang facebook của mình my page facebook.

Đừng quên subscribe bằng email để nhận thông tin về những bài sắp tới nhé.

Cám ơn các bạn.


 

Content Protection by DMCA.com