Những loài hoa “không thể” chiết xuất trong nước hoa
BY perfumista
Giữa khu rừng lưa thưa nắng, những chiếc mũi đang lần dở những lớp hương còn ẩn giấu sau bông violet tím biêng biếc. Trong một khoảng khắc, họ như không thở nữa, mải mê đuổi theo những làn hương mỏng manh, xoay trở trong vô tận và không bao giờ chịu “khuất phục”…
Những nàng hoa “kiệm lời”
Trong thiên nhiên, cũng có những loài hoa ương bướng, không cho đi hoặc cho rất ít tinh chất thơm của mình. Chúng cự tuyệt tất cả những lời đề nghị, dù là hấp dẫn nhất của những bậc thầy chiết xuất hay những tay chế hương tài ba. Mặc dù đó là ép lạnh (expression à froid), chiết xuất bằng hơi nước (hydrodistillation), chiết xuất bằng dung môi (extraction aux solvants volatifs) hay ướp hoa (enfleurage), thậm chí cao cấp hơn là tách hương bằng CO2 (supercritique), tất cả đều không khuất phục được những nàng hoa kiêu kỳ.
Từ những bông hoa ồn ã, tỏa hương lấn lướt bao trùm cả bầu không khí của một góc phố như Hoa Tử Đằng (Glycine), Hoa Loa Kèn (Lys), Hoa Tử Đinh Hương (Lilas), Hoa Dạ Lan Hương (Jacinthe),….. cho đến những loài e ấp, dịu dàng tỏa hương lơ thơ như Hoa Linh Lan (Muguet), Hoa Kim Ngân (Chèvrefeuille), Hoa Mẫu Đơn (Pivoine), Hoa Lan Nam Phi (Freesia), Hoa Dành Dành (Gardénia), Hoa Cẩm Chướng (Oeillet), Hoa Violet (Violette) và Hoa Vòi Voi (Héliotrope)….., đều giữ lằn ranh nhất định với những nhà bào chế hương. Chúng cười khẩy vào sự dễ dãi của Hoa Hồng, của Hoa Nhài, của Hoa Mộc Tê (Osmanthus), của Hoa Bất Tử (Immortelle) – những loài hoa dễ dàng thoả hiệp với những nhà máy chiết xuất của xứ Grasse nổi tiếng.
Tôi gọi chúng là những đóa hoa “Kiệm Lời” – vì chúng ít chịu đàm đạo với perfumers. Dù trong trạng thái thiên nhiên, chúng sực nức hương thơm, thậm chí uy hiếp khứu giác và não bộ nếu chúng hiện diện quá lâu trong phòng (đơn cử là Hoa Tử Đinh Hương (Lilas)). Nhưng chỉ sau vài giờ, ngụp lặn trong những loại hóa chất dung môi, tất cả mùi hương đều tan biến, để lại bao hụt hẫng tiếc nuối. Hoặc nếu chúng cho đầy đủ những note hương, hiệu suất cũng quá thấp nên giá tinh dầu được đẩy cao chót vót đến nỗi mà ít nhà làm hương nào dám “viết” vào bản phổ mùi của mình. Cũng có trường hợp, sau khi bị vắt kiệt sức dưới nhiệt độ cao, chúng hiện ra với diện mạo mới, như Hoa Cẩm Chướng đội lốt Vanille chẳng hạn.
Khi chúng “thủ thỉ” vào tai những nhà hóa học
Những tưởng những nhà chế tác mùi chịu nhường bước. Ai dè họ thỏa hiệp và kết bằng hữu với những nguyên liệu tổng hợp, để đựng đầy ve lọ của mình những mùi hương khó tánh kia.
Những năm đầu của phong trào “tổng hợp, tái tạo và tách chiết”, những chất thơm nhân tạo gặp không ít khó khăn. Vào những năm 1830, nguyên liệu ưa chuộng của các phù thủy nước hoa vẫn là nguyên liệu có xuất xứ thiên nhiên. Với sự phát triển của những kỹ thuật lấy hương mới và sự giao thương thuận lợi giữa các nước, các nhà bào chế có trong tay rất nhiều nguyên liệu mà trước đó còn rất khó với tới, như Patchouli đến từ Indonesia xa xôi. Cũng vào những năm đó, cụ thể từ 1833-1889, những nguyên liệu tổng hợp đầu tiên xuất hiện như Aldéhyde, Coumarine, Héliotropine,…đóng góp không nhỏ vào việc xuất hiện những dòng hương mới.
May thay, các nhà điều chế từ bỏ thành kiến và mau chóng chấp nhận những nguyện liệu “sặc mùi hóa học” này một cách hoan hỉ. Với Héliotropine (1869), accord Hoa Cẩm Chướng (Oeillet) xuất hiện đường hoàng trong L’Heure Bleue (1912). Hydroxycitronellal (1908) giúp Edmond Roudnitska chế tác ra bông Hoa Linh Lan yêu kiều trong Diorissimo (1956). Rồi Alcool Phénylethylique để dựng nên Hoa Dạ Lan Hương, Ionones để tạo ra hương Hoa Violet….Và danh sách ấy còn kéo dài vô tận! Gần 2 thế kỷ phát triển, ngành hóa học đã đóng góp không dưới 8.000 mùi mới cho ngành nước hoa. Đối với những nhà bào chế hương thì đó là tín hiệu hứa hẹn của việc “Không mùi gì là không thể tái tạo được”.
Những người phục dựng tài hoa
Tuy có sự giúp đỡ lớn lao của những nhà hóa học, nhưng những người nghệ sĩ mùi hương vẫn phải tấu nên bản nhạc cuả chính mình bằng những cách rất riêng. Nếu không, thì những mùi hương đó cũng chỉ là những bản sao vô hồn của thiên nhiên.
Hoa Dành Dành (Gardénia) có lằn ranh mờ ảo với Hoa Huệ Tây , Hoa Tiare, lẫn chút xanh của Đại Hoàng (Rhubarbe) và chút hơi đất. Nên các vị perfumers thỏa sức mà sáng tạo: hướng xanh cỏ và Hoa Huệ như trong Jour d’HermèsGardénia Chanel La Panthère Cartier.
Những bông hoa “kiệm lời” không còn là trở ngại nữa, mà đã trở thành vùng đất hứa cho các tài năng mùi hương thỏa sức vẩy vùng. Thậm chí họ còn táo bạo đặt những nét cọ vẽ nên những mùi hương không tồn tại trong thực tế như Hoa Mỹ Nhân (Coquelicot) trong Flower By Kenzo.
Ve lọ đậm mùi Hóa Tổng Hợp và sự lỗi thời của dòng hương 100% natural
Kể từ khi Fougère Royal của Houbigant chứa đầy chất thơm nhân tạo Coumarine ra đời, lịch sử mùi hương đã sang trang. Dòng nước hoa 100% thiên nhiên đã dần lui vào dĩ vãng với sự biến mất của những nguyên liệu giữ hương bền lâu quan trọng như : xạ hương thiên nhiên. Bên cạnh đó, đi kèm với sự phát triển như vũ bão của những công ty hương liệu , những phân tử thơm nhân tạo ngày càng được hoàn thiện và đẹp không kém gì những nguyên liệu thiên nhiên.
Có lẽ đến một lúc nào đó, người ta nên thôi kiếm tìm những lọ nước hoa “ngửi natural”, bớt cảm thán “chai nước hoa này sao mùi synthetic” thế, mà hãy chú tâm đến vẻ đẹp hay sự hiện đại của một cấu trúc hương mới lạ, vì chẳng còn nhiều những chai nước hoa “nguyên chất thiên nhiên” đâu!
Đọc thêm:
Review En Passant – Đóa hoa Lilas của vùng quê
Tháng 5, người Pháp tặng nhau hoa Linh Lan và câu chuyện về Diorissimo
Làm thế nào để trở thành Perfumers?
Evaluator- Nhà thẩm định, đánh gía nước hoa là ai?
By LeLan/aperfumecatcher.com
Tất cả bài viết ở Blog này đều do mình viết bằng kiến thức mình tích lũy qua trường lớp và kinh nghiệm làm việc. Nếu các bạn muốn đem bài viết đi đâu, xin đừng chỉnh sửa và nhớ ghi rõ tên tác giả+link dẫn về bài gốc ở Blog A perfume-catcher.
Nếu các bạn có bất cứ câu hỏi nào, các bạn có thể comment ở dưới hay post trên trang facebook của mình my page facebook.
Đừng quên subscribe bằng email để nhận thông tin về những bài sắp tới nhé.
Cám ơn các bạn.