TODAY PERFUME STORY'S

Iris/Hoa Diên Vĩ – Lớp bụi hương “phấn son” của Rễ

BY perfumista

iris pallida hoa dien vi biolande

Iris mùa trổ hoa. Photo: Biolande

Absolu Iris, tinh chất quý hơn vàng

Đang là mùa cây Diên Vĩ trổ hoa ở Grasse nên nhân dịp này viết một bài ngắn về nguyên liệu thô tôi yêu thích nhất lúc mới vào ngành. Iris là một trong những nguyên liệu quý và đắt tiền nhất trong ngành nước hoa, chỉ thua kém Oud/trầm hương. Giá của Absolu Iris ( Florence, Ý) rơi vào khoảng 60.000e/kg.

Nếu Oud tự nhiên, mất đến hàng chục năm mới cho trầm (đọc bài Oud Vàng ròng nơi rừng già), thì Iris mất cũng 6 năm mới thu được tinh chất của nó.

Không như một số người lầm tưởng, hoa Iris không có mùi và người ta không dùng chúng để chiết xuất. Người ta dùng rễ của cây Iris. Cây Iris phải được trồng ít nhất 3 năm mới thu hoạch được Rễ. Rễ cây tươi, không mang mùi đặc biệt . Chúng phải được bóc vỏ, rửa sạch và sấy khô. Sau đó để trong điều kiện thích hợp trong vòng 3 năm nữa, lúc đó, các chất thơm (Irone) mới phát triển và Rễ Iris mới đượm mùi. Hiện nay, một số công ty chuyên về nguyên liệu đã tìm ra được cách rút ngắn thời gian sấy khô này, thành một vài giờ thay vì 3 năm. Tuy nhiên, thời gian thu hoạch vẫn là 3 năm nên giá thành của tinh chất vẫn đắt đỏ.

Rễ cuả hoa Diên Vĩ

Rễ Diên Vĩ

Rễ Iris khô được đem đi chưng cất và người ta thu được Absolu Iris. Do chứa nhiều acid béo nên Absolu Iris thường ở dạng rắn và được gọi là Bơ Iris (Beurre d’Iris). Chất tạo mùi chính yếu của Iris là Irone. % Irone càng cao thì Absolu Iris càng đắt. Nhưng loại Iris đắt nhất, chứa 80% Irone lại không được sử dụng nhiều trong nước hoa, (vì nó quá đắt!!!!), mà được sử dụng chủ yếu trong ngành hương liệu thực phẩm. Lạ chưa?! Chỉ một giọt nhỏ Absolue Iris trong thực phẩm sẽ đem lại hương “trái cây đỏ” (dâu, phúc bồn tử,..) cho thức ăn.

Không biết phải do nguyên liệu thô được chôn sâu 3 năm dưới đất không mà nên Iris mang “tính đất”, rất hợp với những nguyên liệu cùng “mệnh thổ” như Vétiver, Galbanum chẳng hạn.

Iris có mùi son phấn, có chút note quả phỉ hazelnut/noisette, thơm mùi gạo, hoa violet, đậm mùi rễ và đất khô. Riêng tôi ngửi Iris thấy mát rượi, y cái cảm giác chân trần chạy trên con đường đất giữa hai cánh đồng vào một buổi trưa hè oi ả của miền Trung.

Dù nổi tiếng với giống Iris Pallida nhưng Pháp và Ý không phải là nơi cho ra sản lượng Absolu Iris lớn nhất hằng năm. Trung Quốc và Maroc, với 100 tấn mỗi năm, là hai nguồn cung cấp khổng lồ Iris cho ngành nước hoa.

Nước hoa có Iris thì thật vô vàng, trong số đó mình thích nhất:


1. Misia Chanel

2. Dior Homme Original

3.Lipstick rose, Editions de parfums Frédéric Malle

4.French kiss, Guerlain Les Elixirs charnels

Nếu các bạn hay đọc review nước hoa,  người ta dùng từ “hương son phấn” hay “hương phấn sáp” để chỉ những mùi hương có accord Iris-Hoa Hồng-Hoa Violet bởi vì từ “những năm 1920, son môi cũng bắt đầu được ướp hương, như phấn phủ. Lúc đó, những mùi hương mode như Hoa Hồng, Hoa Violet, Hoa Iris,..được tận dụng tối đa. Đến bây giờ, những hương quen thuộc ấy vẫn rất được ưa chuộng trong mỹ phẩm, vì đây là những mùi hương này rất dễ làm (nhân tạo) và an toàn cho sức khỏe.” (auparfum.com).

Video nói về Iris – Perfumer Christopher Sheldrake

Trong Video, Christopher Sheldrake, perfumer nhà Chanel, (cũng là perfumer cho hầu hết nước hoa của Serge Lutens), nói về Iris, key ingredient trong Chanel n°19 poudré.

https://www.facebook.com/aperfumecatcher/videos/1127107303976500/


By LeLan/aperfumecatcher.com

Tất cả bài viết ở Blog này đều do mình viết bằng kiến thức mình tích lũy qua trường lớp và kinh nghiệm làm việc. Nếu các bạn muốn đem bài viết đi đâu, xin đừng chỉnh sửa và nhớ ghi rõ tên tác giả+link dẫn về bài gốc ở Blog A perfume-catcher

Nếu các bạn có bất cứ câu hỏi nào,  các bạn có thể comment ở dưới hay post trên trang facebook của mình my page facebook.

Đừng quên subscribe bằng email để nhận thông tin về những bài sắp tới nhé.

Cám ơn các bạn.


Content Protection by DMCA.com